Từ trường trị liệu – Thiết bị điều trị tại HTC

Từ trường trị liệu

Điều trị bằng điện từ trường cao tần là sử dụng từ trường và điện trường của dòng điện cao tần hoặc sóng điện từ cao tần tác động lên cơ thể để điều trị.

Tác dụng của từ trường trị liệu

Tác dụng của điện từ trường cao tần lên cơ thể làm tăng nhiệt độ của tổ chức và gây ra các hiệu ứng sinh học.

  1. Đối với mạch máu, bạch mạch

Điện từ trường cao tần làm giãn nở các mao mạch và tiểu động mạch tại các vùng điều trị. Đầu tiên là phản xạ co mạch, sau đó nhanh chóng chuyển sang giãn cả động mạch, tĩnh mạch và bạch mạch. Nếu dùng liều thấp và trung bình sẽ làm tăng lưu lượng máu qua vùng điều trị, nhưng ngược lại dùng liều cao, thời gian kéo dài sẽ suất hiện hiện tượng ứ trệ tuần hoàn làm tốc độ dòng máu giảm, kết hợp với nhiệt độ tăng cao có thể gây tắc mạch và bỏng tổ chức. Người ta đã ứng dụng sóng điện từ cao tần trong điều trị những khối ung thư khu trú.

  1. Đối với các thành phần máu

Điện từ trường cao tần làm giảm bạch cầu trong thời gian ngắn, sau đó chuyển sang tăng bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu lympho. Sự tăng bạch cầu kéo dài tới 24 giờ sau khi ngừng điều trị. Dòng điện cao tần còn làm tăng khả năng di chuyển và tăng hoạt tính thực bào của bạch cầu.

Đường máu tăng nhẹ trong thời gian vài giờ sau điều trị bằng điện từ trường cao tần.

  1. Đối với quá trình viêm

Điện từ trường cao tần làm tăng số lượng bạch cầu và hoạt tính thực bào của bạch cầu; ngoài ra điện từ trường cao tần còn làm giãn mạch, tăng tuần hoàn, tăng phân tán các chất trung gian gây viêm, tăng khả năng xuyên mạch của bạch cầu, tăng chỉ số thực bào của bạch cầu, nên làm tăng khả năng chống viêm. Điện từ trường cao tần làm tăng nhiệt tại chỗ, tăng tuần hoàn, tăng chuyển hoá nên ở giai đoạn phục hồi tổn thương, điện từ trường cao tần có tác dụng làm tăng tái tạo mô.

  1. Đối với chuyển hóa

Theo định luật Vanthoff, nhiệt độ của mô tăng dẫn tới tăng chuyển hóa (nhiệt độ của mô tăng 10C thì chuyển hóa tăng 13%). Nhưng trong mô sống, các phản ứng sinh hóa có sự tham gia của các enzym chỉ xảy ra mạnh ở nhiệt độ tối ưu, nếu quá nhiệt độ này thì enzym bị bất hoạt hoặc bị phá hủy. Cùng với tăng nhiệt độ mô, điện từ trường gây giãn mạch cục bộ, làm tăng đường máu, tăng lưu thông máu, do đó làm tăng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho mô, đồng thời làm tăng sự chuyển dịch của các ion sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Các yếu tố trên phối hợp với nhau làm tăng cường chuyển hóa của mô khi có điện từ trường tác động.

  1. Đối với hệ thần kinh

Đối với thần kinh ngoại vi, điện từ trường cao tần có tác dụng ức chế dẫn truyền cảm giác nên có tác dụng giảm đau, hưng phấn thần kinh vận động. Điện từ trường cao tần gây kích thích, tăng hoạt động hệ thần kinh trung ương. Điện từ trường cao tần có thể gây hiện tượng quá mẫn, gây choáng váng nhất là khi điều trị qua não hoặc tiếp xúc kéo dài có thể gây suy nhược thần kinh.

  1. Đối với điện từ trường cao tần chế độ xung

Mục đích sử dụng chế độ xung là để tăng cường tác dụng sinh học của mô cơ thể mà không gây tăng nhiệt quá mức. Công suất trung bình của máy điện từ trường cao tần quyết định bởi tần số xung và thời gian tồn tại của xung.

Ở chế độ xung, công suất trung bình thấp trong khi công suất đỉnh luôn đạt tối đa nên ứng dụng chế độ xung điều trị cho các tổ chức ở sâu tốt hơn chế độ liên tục. Ngày nay, các máy sóng ngắn của Hà Lan, Nhật Bản có công suất tới hàng nghìn woat, trong khi máy của Nga chỉ đến 70W (vì không có chế độ xung).

Chỉ định

  • Chống viêm: các viêm nhiễm khuẩn giai đoạn sung huyết chưa hóa mủ hoặc sau khi đã chích tháo mủ như áp xe, mụn nhọt, chắp, lẹo… Các viêm không nhiễm khuẩn như viêm quanh khớp vai, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp dạng thấp, viêm màng xương, viêm da, viêm cơ quan nội tạng.- Các vùng thiểu dưỡng như vết thương, vết loét lâu liền, rối loạn dinh dưỡng bàn chân ở người đái tháo đường…- Điều trị các rối loạn tuần hoàn cục bộ: co mạch ngoại vi, thiếu máu cục bộ (hội chứng Reynaud, hội chứng Sudex).
  • Co thắt cơ vân và cơ trơn, đặc biệt là cơ trơn đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục như co thắt túi mật, dạ dày, ruột, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, vòi trứng, tử cung.
  • Chấn thương: đụng giập phần mềm, phù nề sau chấn thương hoặc phẫu thuật, kích thích quá trình liền vết thương.

Chống chỉ định– Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu.
  • Các khối u ác tính hoặc lành tính, tăng sản tổ chức.
  • Người mang máy tạo nhịp tim.
  • Vùng điều trị có dị vật là kim loại như mảnh đạn, phương tiện kết xương.
  • Những ổ viêm đã hóa mủ.
  • Các vùng lao chưa ổn định.
  • Phụ nữ có thai.

Chống chỉ định tương đối:

  • Người mẫn cảm với điện từ trường cao tần.
  • Các bệnh nhân bị suy tim nặng, loạn nhịp tim; các bệnh nhân suy kiệt nặng hoặc bệnh giai đoạn cuối.
  • Tràn dịch các màng như màng ngoài tim, màng phổi, tràn dịch khớp…
  • Bệnh nhân tâm thần hoặc trẻ em (không kiểm soát được).

LIÊN HỆ NGAY 096.369.1010 – 093.683.2233 ĐỂ NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ VÀ ĐẶT LỊCH HẸN.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *