Lao xương khớp là một dạng bệnh lao khá khó chẩn đoán và khó phát hiện sớm mặc dù chúng không phải hiếm gặp. Vì phát hiện khó khăn nên bệnh thường được chẩn đoán khi đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ bệnh nhân, nhất là để lại những di chứng không hồi phục trên hệ thống xương khớp của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu kỹ về bệnh lao xương qua bài viết dưới đây!
Bệnh lao xương là gì?
Bệnh lao xương là một bệnh lý nhiễm khuẩn tại hệ thống xương của cơ thể do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao xương là một trong những loại lao ngoài phổi khá thường gặp, đứng thứ ba sau lao màng phổi và bạch huyết.
Bệnh nhân thường không mắc bệnh ngay từ đầu, mà thường là thứ phát sau lao phổi trước đó. Vi khuẩn lao khi gây bệnh tại phổi có thể đi theo đường máu hoặc đường bạch huyết đến khu trú tại một vị trí nào đó ở xương và gây ra bệnh lao xương.
Về mặt vi thể, có thể được chia làm 2 loại:
- Loại hoại tử tiết dịch, hình thành áp xe lạnh.
- Loại tăng trưởng nhanh với hoại tử tối thiểu, chẳng hạn như u lao hạt.
Nguyên nhân bệnh Bệnh lao xương
Trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân gây bệnh lao nói chung và lao xương nói riêng. Một người có thể nhiễm lao từ vi khuẩn lao trong môi trường hoặc lây từ bệnh nhân lao. Thông thường, vi khuẩn lao sẽ xâm nhập đường hô hấp vào đến phổi và gây bệnh lao phổi nếu như miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh để đối phó lại vi khuẩn lao. Từ tổn thương lao nguyên phát tại phổi, vi khuẩn lao có thể theo đường máu hay đường bạch huyết đến xương. Tại đây, chúng sinh sản và phát triển, hình thành nên củ lao (trung tâm củ lao là một vùng hoại tử, bên ngoài có các tế bào khổng lồ, tế bào đơn nhân, biểu mô). Các xương xốp, lớn, chịu trọng lượng của cơ thể là vị trí mà vi khuẩn lao thường tấn công đầu tiên. Sự phá hủy này có thể gây tổn thương khung nâng đỡ của cơ thể.
Triệu chứng bệnh Bệnh lao xương
Có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn sớm của bệnh, điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh. Bệnh thường được phát hiện khi bệnh đã tiến triển và biểu hiện các triệu chứng lâm sàng.
Các triệu chứng thường gặp trên lâm sàng
Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, sốt về chiều, vã nhiều mồ hôi về đêm, sụt cân, da xanh xao, ăn uống kém.
Triệu chứng tại chỗ:
- Đau xương tại chỗ: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lao xương. Tùy thuộc vào tổn thương lao ở xương nào mà bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau tại vị trí của xương đó. Lao cột sống sẽ có triệu chứng đau lưng nghiêm trọng ở phía sau cột sống, bệnh nhân đau liên tục, tăng lên về đêm.
- Sưng, cứng tại vị trí bị lao xương, nhưng lại không viêm: Vị trí tổn thương lao xương sưng to nhưng lại không nóng, không đỏ như các bệnh viêm xương thông thường.
- Áp xe lạnh: Đây là dấu hiệu gợi ý đến tổn thương do vi khuẩn lao gây ra. Bên trong ổ áp xe là mủ, tổ chức hoại tử bã đậu, đôi khi có cả mảnh xương chết. Khám lâm sàng thấy dấu hiệu bùng nhùng cạnh khớp. Ổ áp xe vỡ ra để lại lỗ dò.
Các biến chứng của lao xương
Bệnh có thể gây tàn phế cho bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.
- Biến chứng thần kinh: liệt tứ chi hoặc 2 chi dưới.
- Biến dạng xương: xẹp đốt sống, gù nhọn, có thể chèn ép tủy sống, rễ thần kinh.
- Lao lan rộng: nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn lao có thể phát triển đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, màng não,… đe dọa tính mạng bệnh nhân.
- Cắt cụt chi: lao xương nếu không được điều trị sớm và đúng phác đồ có thể dẫn đến những tổn thương không thể khắc phục được, buộc phải cắt cụt chi cho bệnh nhân.
- Hạn chế vận động: bệnh nhân lao cột sống gặp khó khăn trong việc cúi, ngửa.
- Teo cơ vận động khớp: cũng có thể là biến chứng của lao xương.
- Liệt cơ tròn: đây là hậu quả đến từ việc áp xe lạnh chèn ép tủy sống
Đường lây truyền bệnh Bệnh lao xương
Bệnh lao xương có lây không?
Bệnh nhân có thể lây cho người khác qua các con đường:
- Lây qua đường hô hấp: nếu bệnh nhân lao xương mắc lao phổi tiên phát thì không loại trừ được khả năng vi khuẩn lao phát tán ra môi trường và lây cho những người xung quanh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện.
- Lây qua vết thương hở và niêm mạc.
- Lây từ mẹ sang con.
Đối tượng nguy cơ bệnh Bệnh lao xương
Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, có thể kể đến là:
- Tuổi: 20-40.
- Tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hay các nguồn lây lao khác, nguy cơ tăng lên khi tiếp xúc thường xuyên, liên tục.
- Tiền sử lao trước đó: lao phổi, lao sơ nhiễm, lao hạch, lao tiết niệu,…
- Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vaccin BCG.
- Bệnh lý: đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng,…
Phòng ngừa bệnh Bệnh lao xương
>>>Nhận ngay gói ưu đãi Khám + Chữa bệnh giá chỉ 199K (không mất thêm phụ phí)
- Lối sống, dinh dưỡng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng, hạn chế đi đến những nơi đông đúc, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, cà phê,…
- Quản lý bệnh nhân mắc bệnh lao hợp lý để tránh lây lan ra cộng đồng.
- Người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao cần được tầm soát lao phổi bằng cách xét nghiệm đờm và chụp X-Quang phổi.
- Bệnh nhân phải tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc và tái phát.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bệnh lao xương
- Triệu chứng lâm sàng: Các triệu chứng của bệnh có thể mơ hồ trong giai đoạn đầu của bệnh. Việc nhận biết các dấu hiệu sớm có thể giúp bác sĩ hướng đến chẩn đoán.
- X-Quang phổi, cột sống hay vị trí xương tổn thương.
- Chọc hút mẫu bệnh phẩm từ vị trí lao xương và soi vi khuẩn.
- Xét nghiệm Mantoux.
- Công thức máu, đo tốc độ lắng máu.
- CT Scan, MRI: Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp đánh giá tổn thương lao xương trên bệnh nhân cũng như giúp phát hiện các biến chứng của bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Bệnh lao xương
Bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ để có thể hạn chế diễn tiến xấu của bệnh, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Với những tiến bộ của y học hiện đại, bệnh lao xương có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị.
Cách chữa bệnh lao xương
Mục đích điều trị:
- Điều trị nhiễm trùng, tiêu diệt vi khuẩn lao.
- Giảm đau.
- Bảo tồn và phục hồi chức năng xương khớp, thần kinh.
- Ngăn ngừa các biến chứng.
Các phương pháp điều trị:
- Hóa trị (dùng thuốc): đây là điều trị cơ bản hay nói cách khác là điều trị nguyên nhân gây bệnh lao xương. Phác đồ điều trị lao xương thường có sự phối hợp giữa các loại thuốc với nhau trong thời gian điều trị khoảng 6-18 tháng.
- Nghỉ ngơi tương đối: Khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tương đối 4-5 tuần. Nằm giường cứng đem lại hiệu quả hơn nằm nệm.
- Tập vận động từ từ: Sau 4-5 tuần bất động tương đối, bệnh nhân cần tập vận động để tránh cứng khớp.
- Kéo giãn/Nẹp: có thể chỉ định ở một số trường hợp nhất định.
- Phẫu thuật: được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng, hoặc khi có các biến chứng như có ổ áp xe lớn, biến dạng xương khớp, giới hạn hoạt động,.. ảnh hưởng trầm trọng sinh hoạt và công việc của bệnh nhân.