Bệnh nhược cơ đặc trưng bởi tình trạng yếu cơ xảy ra từng đợt hoặc liên tục với nhiều mức độ khác nhau. Các nhóm cơ thường bị ảnh hưởng là cơ mặt, cơ tứ chi, cơ hô hấp,… Bệnh lý này thường đi kèm với các bất thường của tuyến ức.
Đây không phải là bệnh lý phổ biến nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi với tần suất mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam, đặc biệt ở phụ nữ độ tuổi từ 20 – 30 và trên 50 đối với nam.
Một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh nhược cơ bao gồm:
- Nhiễm trùng.
- Phẫu thuật và gây mê.
- Có thai và ngay sau sinh.
- Người bệnh dùng thuốc như aminoglycosid, quinine, magnesium sulfate, procainamide, thuốc chẹn kênh Calci,…
Nguyên nhân gây bệnh
- Do tự miễn: Cơ thể tự sinh ra kháng thể phá hủy các thụ cảm của acetylcholin hoặc kháng lại enzyme kinase làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền thần kinh cơ.
- Bệnh lý tuyến ức: U tuyến ức hoặc tăng sản tuyến ức gây tăng sản xuất các tự kháng thể trong cơ thể tấn công các thụ thể của acetylcholin.
Các triệu chứng bệnh lý
- Người bệnh sẽ bị yếu mỏi các cơ, thay đổi trong ngày: Yếu mỏi nặng hơn về chiều, lúc vận động,… Yếu cơ sẽ được hồi phục khi các cơ bị ảnh hưởng được nghỉ ngơi.
- Nhược cơ mắt: Sụp mi, mắt lác, có thể kết hợp với nhìn đôi.
- Nhược cơ chân tay: Yếu mỏi chân tay, không thể làm việc lâu.
- Nhược cơ vùng hầu thanh quản: Nói, nuốt khó, nhai mỏi, nói ngọng,…
- Nhược cơ hô hấp: Khó thở, có thể suy thở khi trở nặng, dẫn tới tử vong.
Các giai đoạn bệnh lý
Thông thường, các cơ mắt sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, tỉ lệ này chiếm tới 40% người bệnh. Chính vì vậy mà người bệnh thường sẽ phát hiện ra bản thân bị sụp mi, nhìn đôi và đi khám sớm nhờ những dấu hiệu này. Ban đầu triệu chứng có thể thoáng qua nhưng về sau sẽ tái đi tái lại và xuất hiện ảnh hưởng tới các cơ khác.
Bệnh thường tiến triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Chỉ có một nhóm cơ bị nhược cơ, thường là các cơ vận động ở mắt.
- Giai đoạn 2A: Toàn bộ các cơ bị nhược cơ nhưng chưa có tình trạng nhược cơ hô hấp hoặc hầu họng.
- Giai đoạn 2B: Toàn bộ các cơ đã bị nhược cơ, đi kèm triệu chứng hầu họng.
- Giai đoạn 3: Toàn bộ các cơ bị nhược cơ, đi kèm rối loạn hầu họng và hô hấp.
Ngoài các giai đoạn này thì có thể có những đợt cấp: Cơn cường cholin, cơn nhược cơ thường diễn biến nhanh chóng, xảy ra sau stress, nhiễm trùng, phẫu thuật, băng huyết sau sinh…
Phương pháp chẩn đoán
- Nghiệm pháp Zoly: Yêu cầu người bệnh nhấp nháy mắt 15 lần liên tục rồi mở mắt nhìn. Nếu không mở mắt nhìn được là một gợi ý bệnh nhược cơ.
- Ghi điện cơ: Là phương pháp sử dụng kích thích lặp lại, kích thích liên tục tác động trên thân của dây thần kinh và ghi điện thế đáp ứng ở cơ đích. Trong bệnh nhược cơ sẽ có sự suy giảm biên độ và diện tích điện thế đáp ứng của cơ do kích thích lặp lại. Kỹ thuật này còn gọi là test chẩn đoán nhược cơ bằng điện sinh lý đang được áp dụng tại Bệnh Viện Quốc tế Vinh.
- CT Scan và MRI lồng ngực: Phát hiện bệnh lý tuyến ức.
- Ngoài ra có thể làm test prostigmin, xét nghiệm định lượng kháng thể kháng acetylcholin hoặc sinh thiết cơ để chẩn đoán xác định.
Phương pháp điều trị
Tùy nguyên nhân mà Bác sĩ có kế hoạch điều trị cho từng người bệnh nhược cơ riêng.
- Các loại thuốc được chỉ định để làm nhẹ triệu chứng, nhưng không chữa khỏi hoàn toàn được bệnh.
- Thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng khi nguyên nhân bệnh do tự miễn.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức: Phương pháp này thường được chỉ định cho người bệnh nhược cơ toàn thân dưới 80 tuổi, được thực hiện ở tất cả các người bệnh có u giáp kèm theo. Bằng cách này sẽ ngăn chặn bệnh nhược cơ tiến triển.
- Lọc máu: Được chỉ định trong các trường hợp nhược cơ nặng như nhược cơ toàn thân, cơ hô hấp. phương pháp này nhằm loại bỏ tự kháng thể trong máu người bệnh.
Khi có hiện tượng nghi ngờ nhược cơ, người bệnh không nên tự ý điều trị, mà cần đi khám để Bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Tiên lượng bệnh lý
Ở mỗi người bệnh khác nhau sẽ có tiến triển bệnh khác nhau. Nếu thời kỳ nhược cơ mắt đơn thuần kéo dài thì nguy cơ yếu cơ toàn thân sẽ giảm đi.
Tiến triển bệnh ở nam nhanh hơn ở nữ và khởi phát ở người trẻ nặng hơn người lớn tuổi. Nguy cơ tử vong chủ yếu là do biến chứng liệt cơ hô hấp không cấp cứu kịp thời.
>>>Nhận ngay gói ưu đãi Khám + Chữa bệnh giá chỉ 199K (không mất thêm phụ phí)
Lời khuyên của Bác sỹ
Nhược cơ là bệnh lý có thể điều trị ổn định và kéo dài sự sống được, người bệnh nhược cơ tử vong do cơn cường cholin, cơn nhược cơ chính vì vậy khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh nhược cơ người bệnh nên:
- Đến ngay cơ sở y tế để khám để có biện pháp điều trị phù hợp với nguyên nhân cũng như tình trạng bệnh của mình.
- Tuyệt đối không tự ý điều trị.
- Không tự ý tăng giảm liều thuốc khi đang điều trị.
- Không tự ý bỏ thuốc khi chưa hỏi ý kiến Bác sỹ điều trị.
- Trao đổi ngay với Bác sỹ điều trị khi có bất thường xảy ra trong quá trình dùng thuốc.
- Tập thể dục điều độ, ăn uống đủ chất, tránh căng thẳng thần kinh, không làm việc quá sức,…
LIÊN HỆ NGAY 096.369.1010 – 093.683.2233 ĐỂ NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ VÀ ĐẶT LỊCH HẸN.